Algorithmic Stablecoin là gì? Khi bước chân vào thị trường Crypto, chắc hẳn các bạn đã nghe về “Stablecoin” – giải pháp kiểm soát biến động giá của các đồng coin và token. Với sự phát triển không ngừng của Crypto, đặc biệt là DeFi, stablecoin đã có sự tăng trưởng đáng kể qua thời gian. Hiện nay, trên thị trường có hai loại stablecoin chính: loại có tài sản đảm bảo và loại sử dụng thuật toán (Algorithmic stablecoin). Vậy Stablecoin thuật toán là gì? Hôm nay, các bạn hãy cùng Crypto568 tìm hiểu chi tiết về thuật ngữ này thông qua bài viết sau nhé!
Algorithmic Stablecoin là gì?
Stablecoin thuật toán, hay còn gọi là Algorithmic stablecoin, là loại tiền điện tử giữ giá trị ổn định thông qua các thuật toán tự điều chỉnh. “Thuật toán” ở đây ám chỉ các lệnh mà chương trình tự động thực thi khi điều kiện xác định được đáp ứng, còn “Stablecoin” là tài sản kỹ thuật số neo giá vào một đồng tiền pháp định, tài sản khác, hoặc giá trị xác định, nhằm duy trì sự ổn định bất kể sự biến động của thị trường.
Như đã thảo luận ở trên, Algorithmic stablecoin là một loại stablecoin bảo toàn giá trị bằng cách sử dụng một giao thức phi tập trung tự duy trì hoặc một cơ chế kinh tế riêng. Một trong những cơ chế phổ biến nhất để đạt được sự ổn định này là thao túng nguồn cung tiền tệ. Hầu hết các stablecoin thuật toán đều được xây dựng với một hệ thống kinh tế cho phép giao thức tự động điều chỉnh nguồn cung bằng việc đốt hoặc đúc token, từ đó duy trì giá trị của stablecoin.
Thay vì dựa vào tài sản thế chấp để bảo đảm giá trị, các stablecoin thuật toán hiện tại trên thị trường thường áp dụng mô hình không tài sản thế chấp. Điều này cho phép chúng hoạt động mà không cần dựa vào các tài sản bên ngoài, nhờ đó giữ được tính phi tập trung và linh hoạt hơn trong việc quản lý và điều chỉnh giá trị.
Vì sao thị trường cần có Algorithmic Stablecoin?
Chắc hẳn chúng ta đều quá quen thuộc với USDT, một loại stablecoin nổi tiếng của Tether, được hỗ trợ bằng tài sản thế chấp như tiền mặt và trái phiếu. Tuy nhiên, những tin đồn tiêu cực về tài sản đảm bảo của Tether đã làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch và tuân thủ của các nhà phát hành stablecoin đối với những phát ngôn đảm bảo tài sản của họ. Không những thế, các nhà phát hành stablecoin tập trung cũng có thể dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố ngoại quan, chẳng hạn như quy định của chính phủ nơi họ tọa lạc.
Giả sử, nếu chính phủ nơi nhà phát hành hoạt động tiến hàng “đóng băng” tài khoản ngân hàng của họ, khả năng mua lại stablecoin sẽ biến mất, làm giá trị của stablecoin đó có nguy cơ về 0. Mặc dù điều này là khó xảy ra, nhưng đây vẫn là một rủi ro mà bất cứ ai trong chúng ta cũng cần cân nhắc.
Ngược lại, Algorithmic stablecoin không phụ thuộc vào tài sản đảm bảo và có thể tránh được những quy định pháp lý nếu nó duy trì được tính phi tập trung của mình. Đặc điểm này đã giúp Algorithmic Stablecoin thu hút được những người ủng hộ tầm nhìn về một hệ thống tài chính toàn cầu thực sự độc lập và phi tập trung.
Các loại Stablecoin Thuật Toán phổ biến hiện nay
Trong những năm qua, nhiều dự án về stablecoin thuật toán (Algorithmic stablecoin) đã được cho ra đời. Vậy các phân loại của stablecoin thuật toán là gì? Sau đây là ba loại chính dựa trên cơ chế thuật toán mà chúng sử dụng để duy trì tỷ giá:
- Stablecoin thuật toán tái cơ cấu (Rebasing Algorithmic Stablecoin)
- Stablecoin thuật toán seigniorage (Seigniorage Algorithmic Stablecoin)
- Stablecoin thuật toán phân đoạn (Fractional Algorithmic Stablecoin)
Stablecoin thuật toán tái cơ cấu (Rebasing Algorithmic Stablecoin)
Một trong những dạng đầu tiên của stablecoin thuật toán phi tập trung đó là Rebasing Algorithmic Stablecoin. Trong mô hình này, sự ổn định giá của token được duy trì thông qua cơ chế rebase, ảnh hưởng trực tiếp đến tổng nguồn cung của token. Cụ thể, tổng nguồn cung của token sẽ được điều chỉnh hàng ngày, tăng hoặc giảm theo tỷ lệ phần trăm thay đổi so với giá trị được neo lại. Điều này có nghĩa là khi giá trị của token thay đổi, nguồn cung sẽ tự động điều chỉnh theo, giúp duy trì giá trị ổn định của token trên thị trường.
Stablecoin thuật toán seigniorage (Seigniorage Algorithmic Stablecoin)
“Seigniorage” được dịch sang tiếng Việt là “thuế đúc tiền”, và trong ngữ cảnh này, thuật ngữ này ám chỉ đến sự chênh lệch giữa mệnh giá của một đồng tiền và chi phí sản xuất nó. Nó đơn giản là một hệ thống trong đó các thành viên của mạng lưới được cổ vũ duy trì giá trị của đồng tiền thông qua các hoạt động như đào và đốt token. Trong lĩnh vực tiền điện tử, Seigniorage Algorithmic Stablecoin thường tuân theo mô hình đa token (multi-token) nhằm duy trì giá trị ổn định của nó. Hệ thống này thường bao gồm một token chính được neo lại với một giá trị ổn định và một hoặc nhiều token khác có vai trò làm động lực để duy trì mức giá ổn định của token chính đó.
Ví dụ điển hình cho mô hình này là các dự án Basis Cash và Terra Stablecoin. Chúng ta sẽ cùng đi sâu vào chi tiết cách thức hoạt động của hai dự án này để hiểu rõ hơn về cơ chế của Seigniorage Algorithmic Stablecoin.
Basis Cash
Basis Cash sử dụng hệ thống gồm ba loại token để duy trì sự ổn định giá:
- Basis Cash (BAC): token này được neo với giá trị của đồng USD.
- Basis Shares (BAS): token này khuyến khích giảm giá khi giá của stablecoin vượt quá 1 USD.
- Basis Bonds: token này khuyến khích tăng giá khi giá của stablecoin giảm dưới 1 USD.
Khi giá trị Basis Cash (BAC) vượt quá 1 USD, giao thức này sẽ tạo ra thêm token và phân phối cho người nắm giữ Basis Shares (BAS), tạo áp lực bán và từ đó kéo giá xuống. Ngược lại, khi BAC giảm thấp hơn 1 USD, giao thức khuyến khích người dùng đốt BAC để đổi lấy Basis Bonds với tỷ lệ chuyển đổi là 1:1. Người dùng có thể chuyển đổi Basis Bonds trở lại thành BAC khi giá vượt quá 1 USD.
Tuy nhiên, khi nhìn vào giá của Basis Cash, ta có thể nhận thấy rằng hệ thống đã không hoạt động trơn tru như dự đoán. Việc này không chỉ đơn giản là do vụ hack gần đây khiến gần 1 triệu BAC bị bán trên thị trường, mà còn bao gồm những vấn đề cơ bản liên quan đến cách token trái phiếu được tạo ra và phân phối. Mặt khác, bản thân các token trái phiếu chính thức cũng không có các tiện ích cần thiết để tăng giá trị. Điều này là một trong những điểm mà các dự án tiếp theo có vẻ đã khắc phục thành công.
Terra Stablecoin (UST)
Hệ sinh thái Terra Luna duy trì giá cố định cho các stablecoin của mình thông qua hệ thống hai token, cụ thể như sau:
- Terra Stablecoin (UST, KRT, EUT, v.v.): Những stablecoin này được gắn với các loại tiền tệ fiat khác nhau.
- LUNA: Token native của hệ sinh thái Terra, được dùng để thanh toán các loại phí giao dịch trên đó.
Hệ thống này hoạt động dựa trên một cơ chế Blockchain, nơi mà token LUNA được sử dụng để đúc ra các stablecoin của Terra như UST, và ngược lại, LUNA có thể được đúc ra bằng cách đốt UST hoặc các stablecoin Terra khác. Bằng việc sử dụng cơ chế chênh lệch giá, điều này sẽ giúp duy trì tỷ giá cố định của stablecoin. Khi giá trị UST giảm thấp hơn 1 USD, người dùng có thể đốt UST để đổi lấy LUNA, kiếm lợi nhuận từ sự chênh lệch giá.
Tương tự với trường hợp ngược lại, khi UST vượt trên 1 USD, người dùng có thể sử dụng LUNA để đúc thêm UST, thu lợi nhuận từ việc tạo ra stablecoin mới. Việc này hoàn toàn khả thi bởi vì LUNA có giá trị và tiện ích độc lập trên toàn bộ phạm vi hệ sinh thái Terra.
Trong số nhiều Seigniorage stablecoin gặp phải thất bại, Terra stablecoin dường như đã nắm bắt và hoàn thiện mô hình của mình bằng cách tập trung vào một yếu tố quan trọng mà hầu hết các dự án khác thường bỏ qua – đó là một hệ sinh thái được hướng đến giá trị và hoạt động hiệu quả. Các stablecoin của Terra không chỉ đóng vai trò quan trọng trong Blockchain của nó mà còn là một phần không thể thiếu trong hầu hết các cặp giao dịch trên nền tảng này. Sự kết hợp giữa tính linh hoạt và tính toàn vẹn của hệ sinh thái Terra đã làm nổi bật và thành công cho các loại stablecoin này.
Fractional Algorithmic Stablecoin
Fractional algorithmic stablecoin là mô hình kết hợp giữa Seigniorage stablecoin và stablecoin được thế chấp. Tương tự như Seigniorage stablecoin, mô hình này sử dụng hệ thống multi-token, trong đó có token phụ được áp dụng để đúc stablecoin. Mục tiêu của mô hình này là đạt điểm trung gian giữa các stablecoin thuần túy theo thuật toán như UST, BAC, AMPL và các stablecoin hoàn toàn được thế chấp như BUSD, USDC, USDT.
Cơ chế hoạt động của mô hình này như sau: Fractional algorithmic stablecoin sử dụng tài sản pháp lý như USDC để thế chấp một phần của stablecoin và đốt một phần token thứ hai (token phụ) nhằm khuyến khích phát triển hệ sinh thái qua các dự án DeFi. Mục tiêu chính của loại stablecoin này là tối ưu hóa sử dụng vốn, dẫn đến việc giảm dần khoản dự trữ phân đoạn theo thời gian, tăng cường giá trị cho người dùng so với mức dự trữ ban đầu.
Trong Fractional algorithmic stablecoin, có hai khái niệm quan trọng là Tỷ lệ Tài sản thế chấp Mục tiêu (Target Collateral Ratio – TCR) và Tỷ lệ Tài sản thế chấp Hiệu quả (Effective Collateral Ratio – ECR). Đây là các thông số có vai trò vô cùng quan trọng để duy trì tính thanh khoản cũng như tuổi thọ của dự án.
- TCR: TCR được áp dụng trong quá trình đúc ra stablecoin ổn định. Đây là tỷ lệ thế chấp tối ưu cần thiết để duy trì giá stablecoin ở mức 1 USD. Khi giá trị trung bình của stablecoin vượt quá 1 USD trong vài ngày trước đó, TCR sẽ giảm xuống, cho phép đúc ra stablecoin với tỷ lệ USDC thấp hơn. Ở chiều ngược lại, khi giá trị trung bình của stablecoin thấp hơn 1 USD ở vài ngày trước thì TCR sẽ tăng lên. Cơ chế này giảm yêu cầu USDC để đúc ra stablecoin vào những ngày giá trị của stablecoin cao, đồng thời tăng tốc độ đốt token phụ để giảm giá trị của token đó một cách hiệu quả hơn.
- ECR: ECR được áp dụng trong quá trình quy đổi stablecoin để xác định tỷ lệ phân phối giữa USDC và các token phụ. ECR được tính bằng cách lấy lượng USDC hiện có chia cho tổng nguồn cung của stablecoin thuật toán phân đoạn. Nếu TCR thấp hơn ECR, điều đó chỉ ra rằng hệ thống có quá nhiều tài sản thế chấp. Ngược lại, khi ECR thấp hơn TCR, nó cho thấy giao thức đang bị thiếu tài sản thế chấp và có mức độ phi tập trung cao hơn.
Ví dụ điển hình cho dự án có sử dụng mô hình stablecoin này bao gồm:
- FRAX: Frax Finance sử dụng hệ thống token kép gồm FRAX và Frax Shares (FXS). FRAX là một stablecoin được neo giá trị ở mức 1 USD, trong khi FXS là một token tiện ích, được dùng để đúc FRAX khi giá của FRAX vượt quá 1 USD. Giá thị trường của FRAX sẽ quyết định tỷ lệ thế chấp và thuật toán của hệ thống này. Nếu token FRAX được giao dịch trên mức 1 USD, tỷ lệ tài sản thế chấp sẽ được giảm xuống một cách tự động. Ngược lại, nếu FRAX giao dịch dưới mức 1 USD, tỷ lệ tài sản thế chấp sẽ tăng lên. Thông thường, để đúc 1 FRAX cần 75 xu USDC và 24 xu FXS. Ngoài ra, FXS cũng đóng vai trò như một kho lưu trữ giá trị dự phòng. Hơn nữa, FRAX có các chức năng mua lại và tái thế chấp trong giao thức, điều này giúp giá trị neo lại được ổn định hơn, đồng thời có thể đốt FXS hiệu quả hơn.
- Iron Finance: Tuy sử dụng mô hình cũng khá tương đồng với FRAX, nhưng dự án này đã trở thành nạn nhân của tình trạng “death spiral” (vòng xoáy tử thần). Thuật ngữ này chỉ đến sự suy giảm không kiểm soát của giá trị của Algorithmic stablecoin đến mức gần như bằng 0 do một chuỗi các phản ứng tiêu cực. Sự thất bại của Iron Finance chủ yếu bắt nguồn từ áp lực bán lớn từ các nhà đầu tư lớn và sự cố với hệ thống Oracle trong giao thức, dẫn đến việc khoản dự trữ không đủ thế chấp ngày càng xa rời mức thế chấp mục tiêu.
Thách thức mà Algorithmic Stablecoin phải đối mặt là gì?
Algorithmic stablecoin, mặc dù mang lại nhiều tiềm năng và đổi mới nhưng nó đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều thử thách và rủi ro đáng kể. Vậy các thử thách của Algorithmic Stablecoin là gì? Sau đây là những thách thức chính mà các loại stablecoin này phải đương đầu, cụ thể như sau:
Phải duy trì giá ổn định
Thuật toán phải phản ứng nhanh chóng và chính xác với sự biến động của thị trường. Tuy nhiên, điều này sẽ khó thực hiện được khi thị trường đang trong giai đoạn cực đoan hoặc trong những trường hợp bất ngờ không dự đoán trước được.
Độ tin cậy của Oracle
Để cung cấp dữ liệu giá chính xác của thị trường, Algorithmic Stablecoin cần dựa nhiều vào các oracle. Nếu oracle bị tấn công hoặc cung cấp thông tin sai lệch, cơ chế điều chỉnh nguồn cung có thể bị gián đoạn, từ đó gây ra tình trạng mất ổn định giá.
Quản lý thanh khoản
Trong các thị trường có thanh khoản thấp, quá trình mua lại và đốt token hoặc phát hành thêm token có thể gặp phải trở ngại, làm giảm hiệu quả của cơ chế ổn định giá.
Rủi ro kỹ thuật và bảo mật
Để tránh các lỗi và lỗ hổng bảo mật, hợp đồng thông minh và các thuật toán điều chỉnh phải được mã hóa cẩn thận và kiểm tra kỹ càng.
Khả năng mở rộng
Khi nhu cầu về stablecoin tăng, hệ thống cần phải mở rộng một cách hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của giá.
Thiết kế cơ chế phức tạp
Cơ chế điều chỉnh nguồn cung của stablecoin thuật toán vô cùng phức tạp. Điều này khiến người dùng phổ thông khó hiểu và tiếp cận, từ đó dẫn đến họ sẽ khó chấp nhận và sử dụng phổ biến chúng trên thị trường.
Điểm mâu thuẫn của Algorithmic Stablecoin
Muốn một stablecoin có thể tồn tại bền vững, nó cần duy trì được sự ổn định nhất định để tạo ấn tượng với người dùng trong các giao dịch thông thường. Để đạt được sự ổn định đó, các stablecoin thuật toán cần có mức vốn hóa lớn (từ 1 đến 10 tỷ đô la) nhằm đảm bảo đủ thanh khoản và tránh sự biến động giá.
Để có thể đạt được mức vốn hóa lớn như thế, vòng lặp rebase của stablecoin phải luôn ở trạng thái dương. Điều này đặt ra câu hỏi làm thế nào để tạo ra nhu cầu sử dụng đủ lớn để giữ giá của stablecoin luôn trên 1 USD.
Để giải đáp câu hỏi trên, các giao thức thường áp dụng các biện pháp khuyến khích các thành phần tham gia vào nó, cụ thể như sau:
Đối với Single-token: Hình thức này thông thường sẽ đưa ra các chính sách thưởng cho các nhà cung cấp thanh khoản bằng cách liquidity mining.
Đối với Multiple-token:
- Các nhà cung cấp thanh khoản được hưởng theo tỷ lệ phần trăm nhất định của số lượng stablecoin được tạo ra sau khi rebase dương.
- Các nhà đầu tư đặt cược bằng cách mua trái phiếu dưới dạng bond với mức chiết khấu cao.
- Cổ đông nắm giữ các token shares sẽ được nhận thêm stablecoin sau khi rebase đạt giá trị dương.
Đối với Hybrid:
- Các nhà cung cấp thanh khoản được hưởng theo tỷ lệ phần trăm cụ thể của số lượng stablecoin được tạo ra sau khi rebase dương.
- Những người đầu cơ mua nợ dưới dạng coupons với mức giá được chiết khấu tương đối cao.
- Các nhà stakeholder được hưởng tỷ lệ phần trăm của số lượng stablecoin được tạo ra sau khi rebase đạt giá trị dương.
Tuy nhiên, các biện pháp khuyến khích này thường chỉ làm tăng tốc độ phát triển mạng lưới thông qua việc đầu cơ và đây không phải là hướng đi bền vững. Một khi các động cơ khuyến khích này mất đi hoặc các thành viên cộng đồng không còn nhiệt tình nữa, dự án có thể sụp đổ vào trạng thái “Death Spiral”, dẫn đến sự thất bại của hệ thống.
Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu Algorithmic Stablecoin là gì cũng như những khái niệm liên quan đến nó. Có thể thấy, phần lớn các stablecoin thuật toán đều nhắm đến mục tiêu trở thành đồng tiền dự trữ của hệ sinh thái tài chính phi tập trung. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, nhưng để tồn tại lâu dài, các stablecoin này cần có thêm những tiện ích vượt trội khác. Hệ sinh thái của stablecoin thuật toán vẫn còn non trẻ, và cách duy nhất để tìm ra mô hình hiệu quả là thông qua thử nghiệm, chấp nhận thất bại và tiếp tục cải tiến.
Hy vọng rằng những thông tin trên mà Crypto568 chia sẻ sẽ giúp ích cho các bạn trong quá trình đầu tư của mình. Crypto568 mến chúc các bạn có thật nhiều quyết định đầu tư đúng đắn trong tương lai!
Tôi là Phùng Cảnh Lang, với hơn 5 năm kinh nghiệm trong thị trường Crypto, tôi hy vọng những bài viết của mình thật sự hữu ích với bạn. Là một người từng trải, tôi rất mong khi ai đó gia nhập vào thị trường Crypto hãy nên trang bị đầy đủ kiến thức, vì đây là đầu tư không phải một canh bạc may rủi.